DA Dạy Chữ Dạy Nguời
Anh Giản Tư Trung: Điều quan trọng là “định vị bản thân” và giá trị công việc bạn làm

Anh Giản Tư Trung: Điều quan trọng là “định vị bản thân” và giá trị công việc bạn làm

5

Anh cảm thấy thế nào khi được mời là nhân vật chính của chương trình Đối thoại trẻ – đồng nghĩa với việc anh sẽ phải "đối mặt" với rất nhiều câu hỏi hóc búa?
– Với tôi, nhận lời tham gia một chương trình, không phải là "bị" làm hay "được" làm. Điều chủ yếu là xác định được: việc mình làm có góp phần giải quyết được vấn đề gì đó trong trường quan tâm của mình hay không. Đối thoại trẻ và những vấn đề mà chương trình đặt ra rất gần với công việc của tôi hiện nay. Thêm nữa, tôi thấy đây là một chương trình mang tính giáo dục cao và với tư cách là một người làm giáo dục, tôi nên tham dự.
Còn những câu hỏi hóc búa như bạn nói, lại phải trả lời trên sóng truyền hình trước hàng triệu người xem đài, thực chất, cũng không hề đơn giản. Nhưng tôi đã xác định đây là một công việc, một công việc nên làm. Mà đã là công việc nên làm thì khó mấy cũng phải làm. Khả năng của mình tới đâu, sẽ nỗ lực hết sức để làm tới đó. Và tôi cũng tin rằng, mình sẽ đóng góp thêm những giá trị của tôi, công việc của tôi, để chương trình tốt hơn.
Anh nghĩ thế nào về Lẽ sống? Và theo anh, tại sao một chủ đề có vẻ trừu tượng như "Lẽ sống" lại được đặt ra với các bạn trẻ vào thời điểm này?
– "Lẽ sống", hiểu một cách đơn giản nhất, là việc trả lời câu hỏi: chúng ta sống để làm gì? Lẽ sống giống như lý do tồn tại trên cõi đời này vậy. Một ví dụ nho nhỏ, bạn đang học một lớp gì đó, bạn không thể học tốt được hay không thể đưa kiến thức của lớp học đó vào cuộc sống được, nếu chính bạn không hiểu mình học cái này để làm gì!?
Trong nhiều cuộc tiếp xúc với bạn trẻ trong và ngoài nước, chúng tôi trò chuyện một lát, thể nào cũng quay về chủ đề này. Đơn giản, là vì nhiều bạn trẻ thường rất hay bị lúng túng trong việc định vị mình trong cuộc sống, bị khó khăn khi suy nghĩ về hình ảnh tương lai của mình. Nếu trước đây, lẽ sống của mọi thanh niên hầu như chỉ có một: đi tìm độc lập tự do cho quê hương, thì bây giờ, chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn, quá nhiều hướng đi và nhiều bạn có mọi thứ dễ dàng đến nỗi… không biết có nó để làm gì.
Theo tôi, lẽ sống không phải là một khái niệm trừu tượng. Diễn giải một cách chi tiết hơn thì vấn đề như thế này. Thế giới vũ trụ này chia làm hai: sinh vật và đồ vật. Sinh vật thì có sự sống còn đồ vật thì không! Trong đó sinh vật lại chia ra làm ba nhóm là: động vật, thực vật và.. nhân vật, tức là con người. Vậy động vật, thực vật khác con người ở chỗ nào, đó chính là gốc rễ của vấn đề.
Những người ác độc thì ông cha ta thường so sánh là người mà không bằng loài cầm thú. Nhưng có những người không làm hại ai bao giờ, nhưng sự tồn tại của họ cũng không đem lại một lợi ích gì cả, như trong bệnh viện, các bác sỹ vẫn hay dùng từ chuyên môn là họ đang sống một đời sống thực vật. Đó là những người không may mắn. Nhưng cũng lại có những người miệng vẫn nói, chân vẫn nhảy nhưng lại cũng chẳng đem lại lợi ích cho ai! Đó là những người sống mà thiếu lẽ sống.
Anh đã có khá nhiều cơ hội tiếp xúc với các bạn trẻ trong và ngoài nước, anh nhận thấy các bạn trẻ ngày nay khác gì so với thế hệ các anh trong hành trình đi tìm "lẽ sống"?
– Theo tôi mỗi một thế hệ có một hoàn cảnh khác nhau nên có lẽ sống khác nhau, nhưng cuộc hành trình như bạn nói hay cách thức để đi tìm lẽ sống ở thời nào cũng như nhau. Đó là trả lời câu hỏi: Bạn sống để làm gì? Bạn sẽ dùng cái cuộc đời của mình vào việc gì? Đây là câu hỏi không ai bắt bạn phải trả lời nhưng nếu bạn trả lời được, bạn sẽ sống khác và nếu không trả lời được, bạn cũng sẽ sống khác.
Anh được biết đến với giấc mơ xuất khẩu giám đốc Việt Nam ra thế giới. Nếu để nói về mình, anh sẽ nói gì với các bạn trẻ?
– Khi nói ra điều này tôi không quan tâm lắm đến chuyện xuất khẩu hay nhập khẩu giám đốc. Có thể khi viết bài này, 6 năm về trước, tôi muốn tạo ra một suy nghĩ khác cho mọi người. Bình thường chúng ta vẫn xuất khẩu gì? Lao động phổ thông! Vậy thì liệu mình có thể xuất khẩu chất xám hay không? Và vấn đề đặt ra làm sao trình độ giáo dục của mình có thể ngang bằng với các nước khác trên thế giới. Và Trường doanh nhân PACE ra đời chỉ với mong muốn góp phần quốc tế hoá trình độ nguồn nhân lực cao cấp của Việt Nam, bắt đầu bằng việc tạo dựng một môi trường đào tạo với tôn chỉ “Tinh thần Việt Nam, Tinh hoa thế giới”. Còn xuất khẩu hay nhập khẩu không quan trọng. Bạn có thể làm việc trong nước hay nước ngoài, điều không thành vấn đề vì "đất lành chim đậu", nhất là trong thời điểm chúng ta đã thực sự trở thành những “công dân toàn cầu” như hiện nay.
Còn vế sau câu hỏi của bạn, câu trả lời của tôi là tôi không thoải mái khi nói về mình.
–  "Đối với tôi, chơi chính là làm những gì mình thích và làm là chơi những gì mà mình không thích. Được làm những gì mình thích là sự hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều đó và cảm thấy mình sinh ra là để rong chơi", anh đã từng nói thế. Và trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau từ anh thợ sơn, thợ chụp hình đến anh đi buôn phim cuộn… và giờ là hiệu trưởng trường đào tạo doanh nhân uy tín. Anh có thể nói gì về những "cuộc chơi" của mình và PACE có phải điểm dừng chân của anh?
– Những gì trải qua với tôi vừa là điều may mắn, lại là vừa là điều không may mắn. Không may mắn vì mình phải trải qua quá nhiều những hoàn cảnh sống khác nhau, những môi trường công việc khác nhau và cũng đã từng đối diện những thử thách khác nhau. Nhưng đó cũng là sự may mắn, vì qua những trải nghiệm đó, mình có thể hiểu hơn về mình, về cuộc sống, có thêm kinh nghiệm để trưởng thành hơn.
Còn với PACE, tôi vẫn thường nói với các học viên: điều quan trọng không phải là anh làm ở đâu mà là anh làm cái gì? Hay cách lựa chọn công việc: anh nên chọn công việc mà mình giỏi nhất chứ không phải công việc mình thích. Giống như việc thà bạn làm một chuyên gia giỏi còn hơn là một ông sếp tồi. Không quan trong bạn làm ở vị trí nào, ở đâu mà quan trọng là công việc bạn làm tạo ra giá trị như thế nào.
Có thể có rất nhiều công việc, kiếm nhiều tiền hơn giáo dục rất nhiều nhưng tôi chọn giáo dục vì những giá trị to lớn mà nó tạo ra, nhất là giá trị xã hội. Hay với PACE, tôi chọn cho mình công việc nghiên cứu giảng dạy mà không phải điều hành vì điều hành PACE có rất nhiều người làm được trong khi đó, nếu làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, tôi sẽ mang lại những giá trị lớn hơn.
Cũng có thể lập một trường đào tạo nhân viên, nhưng tôi chọn trường đào tạo ra những giám đốc hay gọi là các ông sếp vì nhân viên thay đổi thì chỉ thay đổi bản thân họ. Còn những ông sếp thay đổi, họ sẽ thay đổi cả một xã hội đằng sau họ. Như thế giá trị mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Việc dừng chân hay không như bạn hỏi thì mọi việc sẽ diễn ra theo một quy luật. Có thể tôi sẽ làm việc ở PACE 30 năm mà cũng có thể là chỉ 3 năm thôi. Như tôi đã nói, điều không quan trọng là bạn làm việc ở đâu, điều quan trọng là giá trị công việc bạn làm! Chính vì thế, tôi luôn chọn một công việc có tạo ra nhiều giá trị nhất cho cuộc sống.
– Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

(TNV-ST, nguồn VTV 6)