Tin Tức & Sự Kiện
Tọa đàm khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mộ Trịnh Hoài Đức và Lễ hội văn hóa Chùa Ông ở thành phố Biên Hòa” – Lắng đọng và kết nốikhông gian di sản văn hóa 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai trong cuộc sống đương đại

Tọa đàm khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mộ Trịnh Hoài Đức và Lễ hội văn hóa Chùa Ông ở thành phố Biên Hòa” – Lắng đọng và kết nốikhông gian di sản văn hóa 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai trong cuộc sống đương đại

Lời đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Phạm Văn Luân, Cố vấn học tập lớp Quản lý hoạt động văn hóa xã hội 17.1B, trường ĐH Văn hóa TP.HCM và PGSTS. Huỳnh Văn Tới. Nhờ thầy mà em có cơ hội được tiếp cận một Tọa đàm trực tiếp có tính học thuật và thực tiễn cao bởii sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành và tâm huyết với di sản văn hóa . Là một sinh viên ngành Quản lý văn hóa, em rất xúc động được truyền cảm hứng từ Tọa đàm khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mộ Trịnh Hoài Đức và Lễ hội văn hóa Chùa Ông ở thành phố Biên Hòa“.

PGS. TS. Huỳnh Văn Tới phát biểu khai mạc Tọa đàm. Nguồn: Minh Anh

Tọa đàm khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mộ Trịnh Hoài Đức và Lễ hội văn hóa Chùa Ông ở thành phố Biên Hòa” được tổ chức bởi UBND TP Biên Hòa phối hợp với Thất phủ cổ miếu Biên Hòa và trường Đại học KHXH&NV TP HCM vào lúc 8h ngày 17/12/2023 tại Trung tâm Hành chính UBND TP Biên Hòa. Tọa đàm có sự tham sự của bà Lê Thị Ngọc Loan – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai, ông Ngô Trí Thức – Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy, TS. Nguyễn Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, PGSTS. Huỳnh Văn Tới, ông Huỳnh Hữu Nghĩa, đại diện các trường Đại học Văn hóa TP HCM, Đại học KHXH&NV TP HCM, Đại học Đồng Nai, Đại học Thăng Long, Trường Chính trị Đồng Nai, Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc,… đại diện Chi Hội Văn nghệ Dân gianĐồng Nai, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai,… cùng sự có mặt của nhiều học giả có uy tín trong  và ngoài nước như GSTS. Trần Ngọc Thêm, GSTS. Phan Thu Hiền, PGSTS. Nguyễn Ngọc Thơ, TS. Chang Chiu Chun (Trang Thu Quân),….

Đặc biệt tại Tọa đàm, Sở VHTTDL Đồng Nai và UBND thành phố Biên Hòa đã tặng hoa chúc mừng Tân Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP HCM – PGSTS. Lâm Nhân.

Lê Thị Ngọc Loan, PGSTS. Huỳnh Văn Tới và TS. Nguyễn Xuân Thanh (thứ 1, 2, 4 từ trái) tặng hoa chúc mừng PGS.TS. Lâm Nhân – Tân Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP. HCM Nguồn: Minh Anh

Không gian tổ chức chương trình tại Trung tâm Hành chính thành phố Biên Hòa được thiết kế rộng rãi, sáng sủa, bàn ghế được xắp xếp quay mặt vào nhau phù hợp với không gian phòng hội nghị vào thuận tiện cho các học giả giao lưu phát biểu ý kiến. Do hạn chế về mặt thời gian nên Tọa đàm được diễn ra liên tục không giải lao nhưng với cách sắp xếp chu đáo giúp cho các đại biểu và khách mời tham dự được lựa chọn không gian và chủ đề quan tâm để tham dự. Tuy nhiên, ban tổ chức cần lưu ý thêm việc sắp đặt vị trí bục phát biểu cho diễn giả có vị trí cao hơn để đại biểu dễ quan sát.

Tọa đàm khoa học chủ đề phát huy giá trị di sản văn hóa TP Biên Hòa được tổ chức ngoài ý nghĩa của một sự kiện kỷ niệm 325 năm lịch sử vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai còn là diễn đàn giúp UBND TP Biên Hòa đánh giá tiềm năng di sản trên địa bàn thành phố, từ đó đề xuất công tác trùng tu, tôn tạo di tích quần thể mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức và chào mừng sự kiện Lễ hội văn hóa Chùa Ông được Bộ VHTTDL đưa vảo Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về giá trị khóa học, buổi tọa đàm đã giúp xây dựng cơ sở lý luận trong nghiên cứu hệ thống di sản văn hóa của thành phố Biên Hòa, đặc biệt là hai di tích Mộ Trịnh Hòa Đức và Chùa Ông.

Tại tọa đàm có  16 trong tổng số 33 bài tham luận được trình bày, ngoài ra còn có một số ý kiến của đại biểu khách mời trình bày trực tiếp tại hội trường. Nội dung tập trung vào hai chủ đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mộ Trịnh Hoài Đức và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Lễ hội văn hóa Chùa Ông. Sau phiên khai mạc là tham luận đề dẫn có chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Biên Hòa – Đồng Nai trong đời sống đương đại. Tọa đàm chia làm hai tiểu ban thảo luận song song hai nội dung về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mộ Trịnh Hoài Đức và Lễ hội văn hóa Chùa Ông.

Tại phiên thảo luận chung mở đầu cuộc tọa đàm, PGSTS. Nguyễn Ngọc Thơ đã trình bày báo cáo đề dẫn Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn trong việc bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa lấy trường hợp Mộ Trịnh Hoài Đức và Chùa Ổng ở Biên Hòa. Sau báo cáo đề dẫn, GSTS. Trần Ngọc Thêm có bài phát biểu nhấn mạnh, nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa âm tính với tính chất linh hoạt, tiếp biến cao giúp văn hóa Việt Nam đứng vững trước những lần xâm lược của nền văn hóa Trung Hoa và văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, chính đặc điểm đó cũng dẫn đến sự hời hợt của người Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. GSTS. Trần Ngọc Thêm cho rằng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di sản phải bắt đầu từ lối suy nghĩ, tính cách của người Việt Nam. Theo đó, con người Việt Nam có tính linh hoạt, khả năng biến báo cao, do đó mà sinh ra các tật xấu như tính láu cá, khôn vặt, lối tư duy thiếu hệ thống dẫn đến làm việc gì cũng không thể làm trọn vẹn, dứt điểm. Khắc phục hạn chế này, Giáo sư khuyến cáo vận dụng tư tưởng của Khổng Tử về rèn luyện nhân, trí, dũng của con người để góp phần rèn luyện cái trí, dũng, nhân phù hợp với con người Việt Nam.

PGS.TS.Nguyễn Ngọc Thơ báo cáo tại phiên thảo luận chung. Nguồn: Minh Anh.

Trong phiên thảo luận chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích mộ Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức”, các nhà nghiên cứu đã nêu lên những thành tựu, công lao của Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức, ý nghĩa đằng sau những chuyến đi sứ của ông và nêu lên những vấn đề trong công cuộc phát huy giá trị của danh nhân Trịnh Hoài Đức, bảo tồn quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Đặc biệt, TS. Nguyễn Thị Hậu đã có sự tiếp cận giá trị của danh nhân Trịnh Hoài Đức từ tác phẩm “Gia Định Thành Thông Chí”, từ đó liên hệ đến việc quy hoạch đô thị hiện nay như thế nào để lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống.

TS. Nguyễn Thị Hậu phát biểu phiên thảo luận. Nguồn: Minh Anh

Theo bà, đô thị miền Nam tập trung mang tính thị trường và trong “Gia Định Thành Thông Chí” đã thể hiện ngay từ ban đầu các khu vực tại miền Nam đã được quy hoạch theo kiểu đô thị chứ không phải theo kiểu làng, xã. Vì vậy, bà cho rằng khi quy hoạch đô thị cần gắn với những đặc điểm đô thị của Nam Bộ, lưu giữ những giá trị đẹp đẽ của người Nam Bộ và chú ý lưu giữ những địa danh dân gian, địa danh lịch sử vì cái tên của địa danh còn thể hiện văn hóa, lịch sử của địa danh đấy, không nên tùy tiện đổi tên mới làm mất giá trị lịch sử của địa danh.

Nhà nghiên cứu Chang Chiu Chun (Trang Thu Quân) đã có sự tiếp cận khác về danh nhân Trịnh Hoài Đức từ tác phẩm “Cấn Trai Thi Tập” của ông, qua đó nhìn lại về chuyến đi sứ Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Chang Chiu Chun báo cáo tại Tọa đàm. Nguồn: Minh Anh

Bà đã kể ra một vài khó khăn trong chuyến đi sứ của ông như bối cảnh “giặc loạn vừa mới bình” giữa hai nước, nguy hiểm khi đi sứ bằng đường biển, tranh chấp về quốc hiệu “Việt Nam” với triều đình nhà Thanh,… từ đó cho thấy ý nghĩa của chuyến đi sứ khi lập nên nhiều cái đầu tiên: trở thành Thượng Thư đầu tiên của triều Nguyễn, lần đầu tiên đi thuyền từ Thuận An ra biển để đến Bắc Kinh, lần đầu tiên đến Nhiệt Hà bái kiến hoàng đế triều Thanh, sứ đoàn đầu tiên sau khi nhà Nguyễn được thành lập và khẳng định Trịnh Hoài Đức không chỉ là một người có trí thức, có học vấn phong phú mà còn là một quan viên, quan ngoại giao xuất sắc.

Đối với giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mộ Trịnh Hoài Đức, ý kiến của nhà nghiên cứu Trịnh Thị Tình cho rằng cần phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong thời đại mới thông qua việc đứa giá trị di sản lên môi trường mạng và dữ liệu hóa, mã số hóa thông tin di tích; ý kiến của PGSTS. Huỳnh Văn Tới cho rằng cần quan tâm đến vấn đề môi trường, đảm bảo bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với bảo vệ mội trường, tạo không gian xanh, không gian văn hóa xung quanh khu vực di tích.

Nhà nghiên cứu Trịnh Thị Tình giới thiệu hoạt động của thanh niên góp phần  bảo tồn di sản. Nguồn: Minh Anh

Trong Kỷ yếu Tọa đàm, TS.Phạm Văn Luân, Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh với tham luận Tiếp cận mới trong nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa danh nhân Trịnh Hoài Đức trong cuộc sống đương đại đã đặt vấn đề gây sự chú ý cho Tọa đàm:
– Trịnh Hoài Đức là một “trường hợp” điển hình trong số các danh nhân văn hóa Nam Bộ cùng với Nguyễn Đình Chiểu được tôn thờ trong Văn miếu Trấn Biên, Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức cần được nhận diện, đánh giá và tôn vinh ở cấp độ thế giới nhân dịp tưởng niệm 200 năm ngày mất của Ông (1825 – 2025); bởi những di sản văn hóa do Trịnh Hoài Đức để lại cho hậu thế vô cùng quý báu. Việc tôn vinh danh nhân Trịnh Hoài Đức không chỉ ở Việt Nam mà ở tầm thế giới là cần thiết, không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn trọng và đề cao tài đức Trịnh Hoài Đức – người con tiêu biểu của đất Biên Hòa – Đồng Nai trên 300 năm tuổi, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng và phát triển du lịch ở Biên Hòa, Đồng Nai và cả Việt Nam.

Trong phiên thảo luận chủ đề “Lễ hội văn hóa Chùa Ông”, đa số ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng việc nhận diện giá trị di sản nhằm phát huy giá trị lễ hội Chùa Ông gắn không thể đặt riêng lẻ mà phải gắn với giá trị di sản chung của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai 325 năm, cần phác họa bức tranh di sản tổng thể của vùng đất Biên Hòa, xác định tầng lớp văn hóa tinh hoa, tầng lớp trí thức có vai trò quan trọng trong việc xây dựng giá trị văn hóa của vùng đất Biên Hòa, đặc biệt kể đến như danh nhân Trịnh Hoài Đức. Ý kiến của nhà nghiên cứu Mai Văn Nhơn và nhiều nhà nghiên cứu khác trong phiên thảo luận đồng ý rằng tại Biên Hòa đã có nhiều công trình công cộng nhưng chưa xứng tầm với giá trị lịch sử văn hóa của 325 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, cần phải có những công trình, hạng mục với quy mô tầm cỡ, không chỉ giới hạn trong không gian vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai mà cần bao trùm cả hệ thống sông Đồng Nai và Nam Bộ. Ví dụ như xây dựng hệ thống đường ven sông Đồng Nai trở thành không gian công cộng mang giá trị lịch sử, xây dựng khu tích tích Cù Lao Phố bao gồm cụm di tích Chùa Ông và Mộ Trịnh Hoài Đức và các di tich khác như Văn Miếu Trấn Biên,…

Phát biểu bế mạc Tọa đàm TS. Phan Anh Tú, Trưởng khoa Văn hóa học, trường Đại học KHXH&NV TP HCM đã nhấn mạnh, Tọa đàm đã đạt được mục tiêu đặt ra, đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các nhà nghiên cứu cho rằng cần kết nối giữa di tích Chùa Ông với không gian di sản văn hóa Cù Lao Phố tại TP Biên Hòa – nơi có hơn 20 kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo và tín ngưỡng, trong đó lấy lễ hội Chùa Ông là sự kiện trọng điểm để kết nối không gian di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển các địa điểm du lịch. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần gắn kết hệ thống di sản của TP Biên Hòa với tuyến du lịch khu vực sông Đồng Nai, thực hiện liên kết vùng trong phát triển du lịch, trong đó gắn kết giữa 3 địa phương TP Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai trong khai thác tuyến du lịch di sản văn hóa sông Đồng Nai; cần phát triển và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa di tích Chùa Ông, lễ hội Chùa Ông, các giá trị di sản văn hóa của danh nhân Trịnh Hoài Đức bao gồm các công trình của danh nhân, các giá trị tinh thần qua từng thời và sự nghiệp của danh nhân, di tích kiến trúc lăng mộ bằng công nghệ kỹ thuật số; xây dựng các chương trình kết nối giới trẻ với di sản như chương trình về nguồn, giảng dạy văn hóa và lịch sử địa phương,… nội dung các chương trình cần phải gắn liền với thực tiễn, có các hoạt động thực địa để người tham gia có thể thể tham dự và quan sát các giá trị văn hóa của di sản; cần xây dựng nhà tưởng niệm danh nhân Trịnh Hoài Đức nhằm giáo dục thế hệ trẻ tinh thần biết ơn tiền nhân.

Tọa đàm khoa học Phát huy giá trị di sản văn hóa TP Biên Hòa với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước và nhiều bài tham luận, ý kiến đóng góp có giá trị cao đã cung cấp cho em rất nhiều kiến thức và quan điểm, cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu mới. Đồng thời, buổi tọa đàm cũng thể hiện được sự quan tâm chính quyền TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Bên cạnh những ý kiến phát biểu chất lượng cao được tóm lược trên đây, em nhận thấy còn một vài vấn đề, giải pháp đặt ra tuy không mới nhưng cho thấy thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng gây bức xúc không nhỏ là sự thiếu hiểu biết của giới trẻ hiện nay với các di tích, di sản và việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và du lịch văn hóa tại các di tích còn hời hợt, thiếu sự quan tâm, định hướng rõ ràng, đúng đắn nhằm phát triển ổn định, lâu dài.

Là một sinh viên ngành Quản lý văn hóa, thành viên CLB SV nghiên cứu khoa học của khoa QLVHNT, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM,, em hiểu được trách nhiệm của bản thân không chỉ là nhận thức, nghiên cứu các giá trị của di sản văn hóa mà cần những giải pháp cụ thể, thiết thực đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Nhân dịp về dự Tọa đàm, thay mặt TS. Phạm Văn Luân, em đã giới thiệu Tạp chí Văn hóa & Nguồn lực, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM  số có bài viết của GS. Shimizu và bài chuyên đề về KTS Huỳnh Tấn Phát đến PGSTS. Huỳnh Văn Tới và bà Lê Thị Ngọc Loan – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai.

Tác giả tặng Tạp chí Văn hóa & Nguồn lực cho PGS. TS. Huỳnh Văn Tới  (ảnh trái) và bà Lê Thị Ngọc Loan. Nguồn: Minh Anh

Sau cùng, em xin dành lời cảm ơn chân thành đến các nhà nghiên cứu đã đến và chia sẻ những kiến thức bổ ích, cảm ơn ban tổ chức chương trình đã tổ chức một cuộc Tọa đàm khoa học rất có ý nghĩa trong chuỗi hoạt động chào mừng Biên Hòa – Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.

Em hi vọng sẽ có cơ hội tham gia những chương trình ý nghĩa như thế này hơn nữa trong thời gian tới.

(Bài tổng thuật Tọa đàm và lược ghi Kỷ yếu Tọa đàm của Phan Hoàng Minh Anh, Lớp 22DQL2, CLB SV NCKH, khoa QLVHNT, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM & nhóm STT Bến Tre)