Tin Tức & Sự Kiện
HIỆU ỨNG CỦA HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “DANH NHÂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY” Ở NƯỚC NGOÀI

HIỆU ỨNG CỦA HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “DANH NHÂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY” Ở NƯỚC NGOÀI

Là 1 trong 3 hoạt động chính trong cam kết cùng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu theo nghị quyết của UNESCO, Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” diễn ra ngày 29/6/2022 tại khách sạn Diamond Stars, Tp. Bến Tre do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Bến Tre đồng tổ chức với sự tham gia của gần 300 học giả, nhà khoa học, khách mời đến từ các nước và Việt  Nam thành công tốt đẹp đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong giới nghiên cứu khoa học quốc tế.

Chuyên mục “Đọc và phân tích từ Việt Nam” báo Joon Asean Daily News số ra ngày 01/07/2022 đã đăng tải bài viết của nhà báo Sang Shim Sang Joon phản ảnh đậm nét Hội thảo quan trọng này với bài tham luận của giáo sư Jeon Hye Kyung, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc thu hút sự chú ý của thế giới bằng nghiên cứu so sánh truyện Xuân Hương của Hàn Quốc với Lục Vân Tiên của Việt Nam, qua đó ca ngợi thành công của Hội thảo với dấu ấn của sự ra đời sách Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn. Bài báo cho biết, “… Giáo sư Jeon đã có bài thuyết trình trước các học giả hàng đầu thế giới, thông qua nghiên cứu so sánh truyện thơ Lục Vân Tiên và truyện Xuân Hương, giáo sư nhấn mạnh rằng hai tác phẩm thuộc sở hữu của Việt Nam và Hàn Quốc, là những kiệt tác kinh điển tiêu biểu của cả hai quốc gia, được cả thế giới yêu mến”.

Ảnh giới thiệu ấn bản Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn trên báo Joon Asean Daily News

Bài báo bên cạnh đưa tin sự kiện học thuật quốc tế lớn nhất về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã đưa ra nhận định: “Hơn 150 năm qua, nhiều thế hệ nhà nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế đã nghiên cứu về cuộc đời và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu. Ngay từ khi nhà thơ còn sống, các tác phẩm của ông đã đến được với người Pháp. Cùng với thời gian, tác phẩm và cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu đã hòa quyện vào lịch sử, văn học, văn hoá, nghệ thuật và thấm đẫm vào đời sống của nhân dân Nam Bộ, nhân dân trong và ngoài nước”. Từ nhận định này bài báo đã kết luận: “Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ yêu nước chống giặc ngoại xâm, nhân vật đại diện cho tỉnh Bến Tre, Việt Nam”.

Ở phương diện hợp tác nghiên cứu ngay sau Hội thảo, ông YPARK Jun-ho, Quản lý cấp cao Bảo tàng Quốc gia về Chữ viết Thế giới (là bảo tàng quốc gia đầu tiên trưng bày các chữ viết tay và chữ viết đa dạng của thế giới khánh thành vào năm 2023 trong Khu Kinh tế Tự do ở Incheon, Hàn Quốc) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã có thư ngỏ gửi Nhóm thực hiện sách Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn ở Bến Tre đề xuất hợp tác thực hiện trưng bày chủ đề “Một cuộc hành trình vĩ đại của nền văn minh đồng hành cùng chữ viết” với hai tác phẩm văn học nổi tiếng viết bằng chữ Nôm: Lục Vân Tiên và Truyện Kiều. Theo thư ngỏ này di tích Chữ Nôm được trưng bày rất cần thiết cho đại diện của Khu vực Châu Á sẽ được giới thiệu như một di sản văn hóa của toàn thế giới bằng công nghệ quét 3D bên cạnh Đá Rosetta, Kinh thánh Gutenberg và các di tích chữ viết khác từ Đông Nam Á. Đại diện Bảo tàng Quốc gia về Chữ viết Thế giới đánh giá cao truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên – một di sản quý giá và mong muốn “… đây sẽ là một khởi đầu tuyệt vời cho tình hữu nghị của chúng ta để tìm kiếm cơ hội giao lưu và hợp tác sâu rộng hơn nữa qua di sản của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu”.

Sơ đồ Bảo tàng Quốc gia về Chữ viết Thế giới với chú thích vị trí gian trưng bày chữ Nôm và tác phẩm Lục Vân Tiên

Bên lề Hội thảo, sự kiện ra mắt Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn của Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre nhân dịp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được vinh danh ở tầm thế giới đã đưa ra mô hình mẫu cho các dự án văn hóa quốc tế trong tương lai, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, dịch thuật tác phẩm kinh điển Lục Vân Tiên sang các thứ tiếng khác theo tinh thần UNESCO vinh danh Nguyễn Đình Chiểu. TS. Madan Mohan Sethi Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh sau khi được tặng sách cho rằng đây là một cuốn sách quý và ông sẽ ghi nhớ việc đề xuất thực hiện dự án sách Lục Vân Tiên tiếng Ấn Độ trong thời gian tới bởi Ấn Dộ có vinh dự lớn là 1 trong 4 nước đồng đứng tên đề nghị UNESCO vinh danh Nguyễn Đình Chiểu.

Dịch giả chính và Chủ biên truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn (thứ 1,2 từ phải ảnh trái) trong lễ ra mắt sách và Tặng sách cho TS. Madan Mohan Sethi Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh (bìa phải, ảnh phải)

Các Tổng Lãnh sự các nước Indonesia, Vương quốc Cambodia cũng đã đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được hợp tác nghiên cứu để chuyển ngữ và giới thiệu Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên cho người dân ở đất nước của mình, trước hết là cộng đồng bà con Việt Kiều. Đây là những tín hiệu đáng mừng của Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” vừa diễn ra ở Bến Tre.

Kim Thư