
“Hai địa điểm định cư cổ đại ở Bắc Sumatra, Indonesia: Barus-Bukit Hasang & Kota Cina” và những cảm nhận của sinh viên thực tập cuối khóa trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh về Toạ đàm thứ 31 của EFEO
Chiều ngày 20 tháng 3 năm 2025, tại Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) Tp. Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 113 đường Hai Bà Trưng, Quận 1, đã diễn ra Tọa đàm lần thứ 31. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên… ở Tp. Hồ Chí Minh, đại diện nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre và những người yêu thích văn hóa, lịch sử từ góc nhìn khảo cổ nhưng nhóm sinh viên khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đang thực tập cuối khóa tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chúng em.

Điểm nhấn của buổi tọa đàm là phần trình bày và chia sẻ của Giáo sư Daniel Perret, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Đông Nam Á. Tại buổi tọa đàm Giáo sư trình bày về “Hai địa điểm định cư cổ đại ở Bắc Sumatra, Indonesia: Barus-Bukit Hasang & Kota Cina (cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XVI CN)”. Đây là hai chương trình khảo cổ học được tiến hành tại tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Viễn Đông Pháp và Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Quốc gia Indonesia, chương trình đầu tiên được thực hiện từ năm 2001 đến năm 2004 và chương trình thứ hai được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2016. Ít nhất là từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Barus – nằm ở bờ biển phía tây, là nơi giao thương nổi tiếng với các sản phẩm lâm nghiệp (đặc biệt là long não và nhựa bồ đề) và vàng tìm thấy ở vùng sâu phía sau bờ biển. Sau này tên của thành phố được gắn liền với Hamzah Fansuri, một nhà thơ thần bí Hồi giáo nổi tiếng.
Mục tiêu của chương trình được triển khai năm 2001 là nghiên cứu các điểm định cư ở khu vực Barus có niên đại từ thế kỷ XII SCN, đặc biệt là địa điểm Bukit Hasang, có niên đại từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XVI. Buổi trò chuyện này trình bày những kết quả chính của chương trình cũng như một số phát hiện tiêu biểu. Ở Indonesia, các cuộc khai quật khảo cổ học quan trọng đầu tiên tại các địa điểm định cư cổ đại từ thời kỳ lịch sử đã được tiến hành vào giữa những năm 1970 tại Kota Cina, trên bờ eo biển Malacca, gần Medan, thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatra.

Nghiên cứu tiên phong này đã tiết lộ rất nhiều phát hiện đa dạng, do đó, các cuộc khai quật đã xác nhận tầm quan trọng của địa điểm này sau những khám phá trước đó hoặc đương thời về các bức tượng Phật giáo và Ấn Độ giáo bằng đá hoặc đồng. Vài năm sau, người ta tình cờ phát hiện ra tàn tích của hai con tàu đắm được chế tạo theo kỹ thuật Đông Nam Á ở gần đó. Kota Cina không bị lãng quên sau sự kiện này, nhưng không có cuộc khai quật nào được thực hiện ở đó cho đến năm 2010. Từ năm 2010 đến 2016, một cuộc nghiên cứu khảo cổ học chuyên sâu mới đã diễn ra tại địa điểm này, trong khuôn khổ chương trình hợp tác khảo cổ học Pháp-Indonesia. Buổi trò chuyện này trình bày những kết quả chính của cuộc khai quật, bao gồm một số phát hiện tiêu biểu cho một địa điểm có niên đại từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIV.
Giáo sư Daniel Perret đã trình bày về quá trình khai quật di tích khảo cổ của mình, về số lượng đặc điểm của các di vật. Bài chia sẻ bằng tiếng Pháp và được dịch nối tiếp sang tiếng Việt nhưng đã gợi mở cho người nghe nhiều khía cạnh trong quá trình khai quật. Đặc biệt, Giáo sư cho biết thêm tại đây ông đã tìm thấy những mảnh gốm, bình đất nung có nét tương đồng với di tích Ốc Eo, Trà Kiệu của Việt Nam.


Những kiến thức và kinh nghiệm quý báu được Giáo sư Daniel Perret chia sẻ đã mang đến những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc cho người tham dự, đặc biệt khơi gợi niềm hứng thú tìm hiểu về các di tích, di vật lịch sử cho sinh viên Khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật đang thực tập cuối khóa tại Tp. Hồ Chí Minh. Sự kiện này được đánh giá đã mởmột tiền đề quan trọng, góp phần thúc đẩy sự quan tâm và nghiên cứu về lĩnh vực quản lý văn hóa và di sản trong sinh viên dưới góc nhfn khảo cổ. Chúng em xin bày tỏ lòng cảm ơn đến Giáo sư Daniel Perret – diễn giả buổi Tọa đàm, Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Tọa đàm – đây thực sự là 1 “trường học” lớn mà chúng em cần được tạo điều kiện tiếp cận, học hỏi, bổ túc những kiến thức mà giảng đường đại học chưa thể có được…
THANH HẢI– STT BT