Tin Tức & Sự Kiện
GIÁO SƯ DAVID ZANDVLIET VÀ THÔNG ĐIỆP  ĐA DẠNG SINH HỌC VĂN HÓA – NỀN TẢNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIÁO SƯ DAVID ZANDVLIET VÀ THÔNG ĐIỆP  ĐA DẠNG SINH HỌC VĂN HÓA – NỀN TẢNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Đa dạng sinh học văn hóa – Một phần của văn hóa và thiên nhiên” diễn ra  ngày 19/02/2025 tại trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS David Zandvliet với sự hỗ trợ phiên dịch của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đã chia sẻ những nhận định quan trọng về khái niệm đa dạng sinh học văn hóa, cung cấp những phân tích về tác động dưới lăng kính giáo dục và những thách thức mang tính thời đại đang đặt ra cho thế giới hiện nay.

Bài chia sẻ của GS.TS David Zandvliet – Khoa Giáo dục Đại học Simon Fraser, Canada, Chủ tịch UNESCO về Đa dạng Sinh học Văn hóa và Giáo dục thu hút sự quan tâm của thầy cô giáo và học viên, sinh viên ở các nhóm nghiên cứu của nhà trường và chuyên gia Josh Coward đến từ Canada. Theo TS. Phạm Văn Luân đã phát đi một thông điệp về đa dạng sinh học văn hóa cho thầy trò trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh – ngôi trường bên bờ sông Sài Gòn với trữ lượng đa dạng sinh học văn hóa to lớn được ví là “Rồng Xanh” bên cạnh “Hòn ngọc Viễn Đông”!

Diễn giả David Zandvliet tại buổi nói chuyện. Ảnh: PVL

Theo diễn giả GS.TS David Zandvliet, khái niệm “đa dạng sinh học văn hóa” không chỉ phản ánh tính phong phú trong hệ sinh thái tự nhiên mà còn bao hàm sự đa dạng ngôn ngữ, phong tục, văn hóa và tri thức truyền thống của các dân tộc. Trong quá trình phát triển, các nền văn hóa đã hình thành và tiến hóa trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ với môi trường bản địa, truyền tải những giá trị, niềm tin và tri thức dựa trên sự thích nghi với sinh thái.

Khái niệm “đa dạng sinh học văn hóa” (“biocultural diversity”) có hàm ý đề cao sự giao thoa giữa đa dạng sinh học và các yếu tố văn hóa, thể hiện mối quan hệ không thể tách rời giữa các hệ sinh thái tự nhiên và hệ giá trị, phong tục, tập quán… do con người hình thành trong suốt tiến trình lịch sử. Trên hành trình lịch sử, con người đã nghiên cứu và áp dụng các hệ thống tri thức truyền thống trong các mô hình sinh hoạt, canh tác, chăn nuôi… Chính vì vậy đa dạng sinh học văn hóa vừa phản ánh bản sắc văn hóa, vừa đảm bảo sự bền vững sinh thái.

GS.TS David Zandvliet và đại biểu. Ảnh: PVL

Tuy nhiên, sự suy giảm đa dạng sinh học đang kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với văn hóa bản địa. Quá trình đô thị hóa, khai thác tài nguyên quá mức và biến đổi khí hậu đang làm biến đổi nhanh chóng hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật vào nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, còn làm đánh mất các kho tàng tri thức truyền thống và phong tục văn hóa.

GS.TS David Zandvliet, TS. Phạm Văn Luân và nhóm SV đang học bộ môn Xây dựng và quản lý dự án CNVH, Khoa Văn hóa học. Ảnh: PVL

Khái niệm “đa dạng sinh học văn hóa” theo GS.TS David Zandvliet bao gồm “Thực vật văn hóa” và “Động vật văn hóa”, đây là câu chuyện cần được học hỏi lẫn nhau ở cộng động được Giáo sư chia sẻ, biện giải sinh động từ những câu chuyện Giáo sư và sinh viên của mình đi học ở cộng đồng với cây rừng, sông suối đặc trưng ở Indonesia … “Đa dạng sinh học văn hóa” ngày càng nhận được sự quan tâm của giới khoa học, các nhà hoạt động môi trường và cộng đồng quốc tế.

Học viên Cao học khoa Quản lý VHNT chăm chú theo dõi bản đồ “Học ở cộng đồng” của GS.TS David Zandvliet. Ảnh: PVL

Việc duy trì và phát huy đa dạng sinh học càng trở nên cấp bách, không chỉ để giữ gìn các hệ sinh thái tự nhiên, mà còn giúp duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn những giá trị tinh hoa cho thế hệ mai sau.

Ảnh chụp slide minh họa “thực vật văn hóa” trong bài trình bày của Diễn giả – Nguồn: GS.TS David Zandvliet

Mỗi một cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung đều có một phần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị này, góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững và hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Diễn giả David Zandvliet và đại biểu dự buổi nói chuyện. Ảnh: LH

Bên lề buổi nói chuyện, TS. Phạm Văn Luân và GS.TS David Zandvliet đã có các trao đổi học thuật về đa dạng sinh học văn hóa qua Chương trình Cây Di sản Việt Nam kết nối với đề án Đánh thức Rồng Xanh, hoạt động giao lưu văn hóa qua dự án văn hóa quốc tế – sách Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn

GS.TS David Zandvliet cùng giảng viên, học viên khoa QLVHNT và phiên dịch buổi nói chuyện. Ảnh: LH

Đặc biệt GS.TS David Zandvliet đã đề nghị các nhóm nghiên cứu của trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh (kể cả sinh viên) hãy mạnh dạn đề xuất các chương trình hợp tác cụ thể với Giáo sư. Nhân dịp này GS.TS David Zandvliet đã chia sẻ thêm về mô hình giáo dục cộng đồng – đưa sinh viên Canada sang học tập ở Indonesia – nơi có 1 hòn đảo qui tụ 200 ngôn ngữ…

GS.TS David Zandvliet, Chuyên gia Josh Coward (thứ hai từ phải)  trao đổi sau khi kết thúc buổi nói chuyện. Ảnh: PVL

Cũng theo TS. Phạm Văn Luân, GS.TS David Zandvliet đã cung cấp cho thầy một cách tiếp cận mới về phương pháp “Học tập phục vụ cộng đồng”, theo đó “học tập ở cộng đồng hay học tập phục vụ cộng đồng ở trường Đại học không phải là dời lớp lớp hohc một cách “cơ học” từ giảng đường Đại học ra ngoài cộng đồng, mà mấu chốt là ở phương pháp học tập và cách thức thiết kế, tổ chức học, nghiên cứu của thầy với nguồn học liệu phong phú hơn cả thư viện trong trường Đại học, cộng đồng là nơi có kho tàng tri thức bản địa vô giá, có những “thầy giáo” đặc biệt trong trường Đại học không bao giờ có được là “người dân bản địa” ở chính cộng đồng của họ…

TS. Phạm Văn Luân (bìa trái) tặng sách Lục Vân Tiên cho Diễn giả David Zandvliet (giữa) TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (bìa phải). Ảnh PVL

Đăng Khoa – SV lớp 22DCN2