Chào mừng Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên có Cây Di sản Việt Nam
Hội đồng Cây Di sản Việt Nam dưới sự chủ trì của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh vừa họp xét công nhận 49 cây cổ thụ của 10 tỉnh/thành phố trong cả nước hội đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Theo đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận quần thể 8 cây cổ thụ trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, phường Bến Nghé, quận 1 đã đạt tiêu chuẩn của Cây Di sản Việt Nam. 8 Cây Di sản đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: cây Giáng Hương quả to và cây Tung có tuổi trên 200 năm, chu vi thân gần 10m và cao hơn 30m; 6 cây Xà Cừ được các nhà Lâm học người Pháp đưa từ Sênêgal về Thảo Cầm Viên Sài Gòn trồng cách nay trên 120 năm, 6 cây này đều có chu vi ít nhất trên 7 m (có cây 12,5 m) và cao trên 45 m. Thảo Cầm Viên Sài Gòn rất quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ và thảm thực vật trong khuôn viên, bởi đây là “lá phối xanh” của Thành phố. Theo đề nghị của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, từ tháng 3/2024 nhóm giảng viên và sinh viên trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyến khảo sát cùng các chuyên gia đến từ Đức, Nhật Bản… trao đổi chuyên môn hỗ trợ xây dựng hồ sơ Cây Di sản Việt Nam.
Sự kiện lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh có cây Di sản Việt Nam không chỉ tạo điều kiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sinh thái nhân văn độc đáo của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau, ca ngợi, tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công tạo dựng nên Thảo Cầm Viên Sài Gòn 160 năm tuổi, mà còn tạo hiệu ứng thực hiện chủ trương xây dựng Thành phố Xanh,… Mặt khác, việc Thảo Cầm Viên Sài Gòn có quần thể cây cổ thụ được công nhận cây Di sản Việt Nam sẽ tạo thêm điểm ấn cho du lịch cho Thành phố, đặc biệt là giới thiệu nét độc đáo của Thảo Cầm Viên Sài Gòn – 1 trong 8 Thào Cầm Viên cổ nhất của thé giới. Đây là một tin vui của Thành phố trong những ngày chào đón năm mới 2025 khi Thào Cầm Viên tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 29/12/2024 tới đây
(KN, STT)