Bến Tre lần đầu tiên nhận Giải thưởng Học giả cống hiến – 2021 (Engaged Scholar 2021)
Tại Hội thảo trực tuyến “Phục vụ cộng đồng trong hệ thống đào tạo của giáo dục bậc cao” diễn ra ngày 14/11/2021, Mạng lưới Học giả Kết nối Cộng đồng Việt Nam (Vietnam Network of Engaged Scholars -VNES) đã thông báo chính thức kết quả từ Ủy ban xét duyệt Giải thưởng và chuyên gia cộng đồng và công bố và trao Giải thưởng Thành tựu cống hiến (Engaged Achievement 2021) cho các trung tâm của 3 trường ĐH Kinh tế Tp Hồ Chí Minh, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Hoa Sen và 5 Giải thưởng Học giả cống hiến (Engaged Scholar 2021) cho các chương trình, dự án của 5 trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), ĐH Nông Lâm thuộc ĐH Huế, ĐH Cần Thơ, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng và trường Cao đẳng Bến Tre.
Đây là các bộ môn, khoa, trung tâm, trường và nhóm quy mô nhỏ, cá nhân có nhiều cống hiến trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập phục vụ cộng đồng tiêu biểu trong cả nước. Tỉnh Bến Tre có nhóm gồm 12 Giảng viên, sinh viên thuộc phòng Nghiên cứu Khoa học & Quan hệ quốc tế, khoa Sư phạm, khoa Ngoại ngữ – Tin học thuộc trường Cao đẳng Bến Tre đã được trao Giải thưởng với dự án “Cùng trẻ mầm non đến trường trong bối cảnh sống chung với Covid-19”.
Giải thưởng Engaged Achievement 2021 và Giải thưởng Học giả cống hiến nhằm tôn vinh các cá nhân và đơn vị giáo dục bậc cao cho các khởi xướng học tập, nghiên cứu thông qua Chương trình (môn học/hoạt động/dự án) Học thông qua phục vụ cộng đồng (S/L và CEL). Giải thưởng bao gồm khoản hỗ trợ tài chính khuyến khích việc phát triển chương trình/dự án đã, đang thực hiện và được ghi nhận thành tựu, chia sẻ đến toàn mạng lưới và đông đảo công chúng nhằm thúc đẩy phát triển các chương trình tương tự tại các cơ sở giáo dục bậc cao, như khuyến khích phát triển quan hệ đối tác đại học-cộng đồng.
Tiêu chí để được trao giải bao gồm:
- Hoạt động phục vụ gắn với học tập, đem lại lợi ích học tập cho sinh viên về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ trong lĩnh vực chuyên ngành lẫn sự trưởng thành toàn diện ở sinh viên; –
- Quan hệ đối tác cộng đồng, cộng đồng tham gia xác định vấn đề và thiết kế chương trình. Mục đích của chương trình đáp ứng nhu cầu cộng đồng và thành viên cộng đồng có đóng góp vào chương trình;
- Tạo tác động tích cực với xã hội, cộng đồng địa phương, quốc gia và toàn cầu, đem lại những tác động tích cực cho cộng đồng. Có nhiều thành viên cộng đồng được hưởng lợi;
- Tạo tác động tích cực đến sự chuyển đổi ở sinh viên tham gia chương trình: Chương trình có được thiết kế, chuẩn bị và tạo cơ chế để sinh viên có thể làm việc độc lập và tính sáng tạo, lãnh đạo trong chương trình, ý tưởng và đóng góp của sinh viên được đánh giá và ứng dụng trong chương trình;
- Tính bền vững: Có nguồn lực tiếp tục phát triển kết quả của chương trình trong tương lai;
- Được sự ủng hộ của nhà trường từ tài chính, nhân lực, nguồn lực, ghi nhận, truyền thông… đối với chương trình;
- Ý nghĩa và tính liên quan: Chương trình nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống đương đại và nhu cầu cấp thiết của xã hội, cộng đồng ở địa phương.
Tại Hội thảo trực tuyến “Phục vụ cộng đồng trong hệ thống đào tạo của giáo dục bậc cao”, bên cạnh việc tổng kết trao giải thưởng năm 2021, mạng VNES nhìn lại các chương trình, dự án đã thực hiện trong năm 2021, thảo luận về các hoạt động của mạng lưới trong năn 2022…Trên 130 đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe GS. Kevin người có hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực SL/CEL chia sẻ 8 yếu tố cốt lõi trong việc thực hiện một dự án/ môn học SL/CEL, đúc kết các kinh nghiệm và trả lời các câu hỏi của đại biểu tham dự một cách súc tíchvề kinh nghiệm xây dựng mối quan hệ đối tác cộng đồng, các khó khăn, thách thức khi đưa sinh viên đến cộng đồng hoặc khuyến khích hoạt động phản hổi từ sinh viên trong quá trình thực hiện SL/CEL.
Sau phần trình bày của GS. Kevin từ châu Mỹ, TS. Stephen và TS. Grace có bài chia sẻ từ 1 trường ĐH ở châu Á với chủ đề “Đưa SL/CEL vào hệ thống đào tạo tại Đại học Bách khoa Hồng Kông” đã cung cấp cho đại biểu những bài học quý báu qua 10 năm hình thành và phát triển một trung tâm SL/CEL tại PolyU.
Trong phần hỏi đáp, các giáo sư cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm để giải quyết những khó khăn, thách thức mà các giảng viên, học giả khi bước đầu tổ chức môn học SL/CEL, làm thế nào để thuyết phục các giảng viên trong lần đầu thực hiện SL/CEL, kinh nghiệm tìm kiếm các nguồn tài trợ và cách thức vận hành trung tâm SL/CEL một cách hiệu quả và có tổ chức. Mô hình của trường PolyU là một hình mẫu chuẩn mực cho các trường Đại học trong khu vực Châu Á nói chung và cho các cơ sở giáo dục bậc cao tại Việt Nam nói riêng.
Tại Hội thảo, TS. Claire McDonnell (Đại học Công nghệ Dublin, Ireland) cũng đã có bài trình bày với chủ đề “Dạy SL/CEL với các ngành khoa học tự nhiên (Implementing SL/CEL with sciences and chemistry)” với những thông tin rát hữu ích cho các trường ĐH-CĐ Việt Nam.
Theo TS. Phạm Văn Luân, phòng NCKH-QHQT trường CĐ Bến Tre: Nhóm được trao giải thưởng của trường Cao đẳng Bến Tre ngoài việc có các thành viên tham gia Mạng lưới Học giả Kết nối Cộng đồng Việt Nam còn có hồ sơ đề cử với chất lượng thành tích cao bao gồm các hình ảnh, bài báo, bài đăng trang web, mạng xã hội, video và các dạng thông tin khác về chương trình được đề cử… còn có thể hiện quyết tâm cao khi sẽ dành toàn bộ số tiền từ giải thưởng để tiếp tục thực hiện dự án “Cùng trẻ mầm non đến trường trong bối cảnh sống chung với Covid-19” và kết nối vận hành thử nghiệm các đề tài sinh viên dự thi Sáng tạo KHKT tỉnh Bến Tre lần thứ VIII, bao gồm 4 đề tài được tài trợ nhỏ của Mạng lưới học giả Việt Nam trong năm 2021:
- Đề tài App Nguyễn Đình Chiểu – Văn chương vượt mọi rào cản ngôn ngữ’’(trường hợp tiếng Hàn Quốc do SV Nguyễn Quốc Hải chủ nhiệm;
- Đề tài App kêu gọi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khan do SV Ngô Thị Như Lộc chủ nhiệm;
- Đề tài Thiết kế đồ dùng học tập từ vật liệu phế thải cho trẻ Mầm non Tp. Bến Tre do SV Bùi Nguyễn Khả Ân chủ nhiệm.
- Đề tài Nón lá dừa nước do SV Nguyễn Thị Huỳnh Như chủ nhiệm.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Luân cho biết hoạt động của VNES tuy mới được Bến Tre tiếp cận lần đầu tiên trong năm 2021nhưng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm hưởng ứng của giảng viên, sinh viên từ đó có những tác động tích cực đến cộng đồng. Đây là tiền đề để thời gian tới các hoạt động SL/CEL sẽ được phát triển rộng mạnh hơn ở Bến Tre cũng như các tỉnh Tây Nam Bộ.
Khắc Kỳ