Tin Tức & Sự Kiện
BÀI HỌC LỚN TỪ TRIỂN LÃM SẮC MÀU

BÀI HỌC LỚN TỪ TRIỂN LÃM SẮC MÀU

Tối 6-3 vừa qua, Hội Mỹ thuật TPHCM phối hợp cùng Câu lạc bộ Mỹ thuật Nữ tổ chức triển lãm tranh, tượng với chủ đề “Sắc màu” nhằm tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật do các nữ nghệ sĩ sáng tạo. Triển lãm là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2025) và 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2025).

Triển lãm “Sắc màu” diễn ra từ ngày 6-3 đến ngày 12-3 tại Văn phòng Hội Mỹ thuật TPHCM (218A đường Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM). Triển lãm trưng bày 119 tác phẩm tranh, gốm của 119 tác giả, với đa dạng chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, acrylic, pastel, lụa, màu nước, gốm… Với những sắc màu sống động, trong trẻo, nội dung các tác phẩm thể hiện đa dạng chủ đề, lấy cảm hứng từ phong cảnh, cuộc sống, tình yêu quê hương và gia đình.

Triển lãm “Sắc màu” không chỉ là dịp để các nữ nghệ sĩ tại TPHCM giới thiệu tác phẩm, mà còn là không gian giao lưu, thưởng lãm, khẳng định vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật và đời sống. Với “Sắc màu” tươi vui và đa dạng của nghệ thuật, triển lãm hứa hẹn mang đến một không gian thưởng lãm đầy cảm xúc, nơi nghệ thuật và tinh thần tôn vinh phụ nữ hòa quyện. 

Thưởng lãm tác phẩm tại Triễn lãm – Nguồn: Tiểu Tân

Hoạ sĩ Nguyễn Anh Đào chia sẻ “Những bức tranh, những tác phẩm gốm hôm nay chính là minh chứng cho niềm đam mê và tình yêu mà các nữ hoạ sĩ tại TPHCM dành trọn cho nghệ thuật. Tôi tin rằng, mỗi nét cọ, mỗi tác phẩm đều mang theo câu chuyện của một tâm hồn – lúc dịu dàng, khi mãnh liệt, nhưng luôn tràn đầy cảm hứng. Và chính những rung động ấy đã kết nối các nữ hoạ sĩ cùng nhau bước đi trên con đường nghệ thuật một cách bền vững và thăng hoa”.

Một trong những tác phẩm tại triễn lãm – Nguồn: Tiểu Tân

Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện khai mạc có hoạt động trình diễn áo dài do 37 hoạ sĩ tự vẽ và biểu diễn, mang đến trải nghiệm sáng tạo mới mẻ cho người tham dự. Hoạt động ý nghĩa này nhằm hưởng ứng Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2025 đang diễn ra từ ngày 1 đến 9-3. Tham gia ban giám khảo có NTK Sỹ Hoàng, hoạ sĩ Siu Quý – Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật TPHCM, NTK Đinh Trần Duy Khang – Trưởng bộ môn Thiết kê Thời trang – Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Đạo diễn chương trình biểu diễn là NTK Long Áo Dài. 

Hoạ sĩ Anh Đào mang đến tác phẩm Đoá hoa vô thường với ý nghĩa sự tỉnh thức trong cái đẹp mong manh. Hình ảnh nàng sen trong làn sương, bao quanh là ánh sáng mờ ảo khiến ta liên tưởng đến câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở…”. Cô gái trong tranh dường như không chỉ là một con người, mà là hiện thân của cái đẹp mong manh của cuộc đời – một bông hoa nở rộ trong khoảnh khắc, để rồi tan biến theo dòng chảy thời gian.

Tác phẩm tiêu biểu: Đóa hóa vô thường – nguồn: Tiểu Tân

Đặc biệt đối với một sinh viên em cảm tác phẩm “Đoá hoa vô thường” đối với bản thân không chỉ là một bức tranh, mà còn là lời nhắc cho chúng ta nhẹ nhàng: cuộc sống này vốn dĩ là vô thường, nếu có thể được, hãy yêu thương những người thân bên mình và chính bản thân mình nhiều hơn nữa. Tuy chỉ là một bức tranh nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc về cuộc sống này.

Bản thân em là một sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa TPHCM đang tham gia đợt thực tập cuối khóa tại Báo Sài gòn giải phóng, em rất vui và tự hào khi được tham dự triển lãm nghệ thuật đặc biệt này. Đây không chỉ là một cuộc trưng bày tranh thông thường, mà là một hành trình nghệ thuật đầy cảm xúc, nơi mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh về cuộc đời và những đóng góp phi thường của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy Triển lãm đã đem lại cho em nhiều bài học bổ ích mà sách vở, giảng đường ĐH chưa thể mang lại…

Gia Huy